Tin tức - Chúa đảo nổi tiếng và tai tiếng

Với ông, sự giàu có, nổi tiếng và tai tiếng dường như luôn đồng hành. Chỉ có điều, sóng gió của cuộc đời, sóng gió của thương trường, và cả sóng gió dư luận dường như không thể quật ngã ông.


 
Không những thế, dường như sau mỗi lần sóng gió, ông lại trỗi dậy một cách mạnh mẽ hơn. Ở ông người ta luôn cảm thấy một nguồn năng lượng không bao giờ cạn.


 
Cựu chiến binh thành "Chúa đảo" Tuần Châu


 
Trong giới làm ăn, có thể nói ai cũng biết đến ông Tuyển. Điều đơn giản, ông là người làm được những việc phi thường mà chỉ có những người trong giới mới cảm nhận được sự vĩ đại của ý chí, sự sung mãn của nghị lực và sự rủng rỉnh của tiền bạc.


 
Chỉ tính riêng với dự án Tuần Châu, ông Tuyển đã cho xây cất hơn 100 km đường sá, trong đó có hơn 2 km đường nối liền hòn đảo với đất liền, đây có lẽ là con đường vượt biển dài nhất Đông Nam Á. Ông Tuyển cũng đã cho xây cất nhiều khách sạn sang trọng, 200 biệt thự theo kiến trúc thuộc địa Pháp và nhiều khu giải trí. Cùng với đó là bến du thuyền đầu tiên tại Việt Nam, bến phà, golf, khu đô thị...


 
Tuy nhiên, sự kiện được công chúng cả nước biết đến ông Tuyển là vào ngày 31/12/2003, trong đêm hội từ thiện được truyền hình trực tiếp, trước sự chứng kiến của hàng triệu người xem truyền hình. Ông Tuyển đã mua tấm thiệp xuân với giá 600 triệu đồng để ủng hộ người nghèo.


 
Cách đây bốn năm, báo Le Figaro đã đăng bài phóng sự “những nhà tỷ phú đầu tiên của Việt Nam”, đi kèm với bài báo là tấm ảnh chụp vịnh Hạ Long - nơi mà người giàu nhất Việt Nam - đã biến đảo Tuần Châu thành khu du lịch vĩ đại, đón tiếp khoảng 5 triệu du khách trong năm 2005.


 
Nhà báo này viết: “Cách đây 30 năm ông Tuyển là anh hùng của sư đoàn 125 vận chuyển hàng tấn đạn dược từ Bắc vào Nam để làm cho quân đội Mỹ bị ngã quỵ. Nhưng ngày nay là cựu chiến binh nặng 2 tỷ USD, đang háo hức đón chờ vốn của Hoa Kỳ đổ bộ vào Việt Nam… Đối với ông Tuyển, 1000 năm chống Trung Quốc, 100 năm chống Pháp và 20 năm chống Mỹ đó là chuyện quá khứ; còn hôm nay với ông rửa nhục là đất nước ông phải phát triển và giàu có…”

 



Đời như phim

 


Vào thời điểm tháng 7/2005, có tin ông Đào Hồng Tuyển sắp bị bắt. Tôi cho rằng, chuyện đó không có cơ sở. Anh bạn đồng nghiệp cho biết: Sau chuyến tháp tùng Thủ tướng đi Mỹ, ông Tuyển đang bị cấm xuất cảnh, vấn đề bị bắt chỉ là thời gian. Để thẩm định lại thông tin đó, tôi rút máy gọi cho ông. Ông cho biết, vừa đặt chân xuống sân bay Pochenton, đang đi tháp tùng Thủ tướng thăm Campuchia. Những gì diễn ra sau đó đã chứng minh tin đồn kia là không có cơ sở.


 
Tưởng như thế cũng đã là quá lắm rồi, đến thời điểm cuối tháng 10/2006, giới doanh nghiệp ở Hà Nội và TPHCM lại bàng hoàng trước thông tin: Ông Đào Hồng Tuyển - Chủ tịch HĐQT Công ty Âu Lạc, Uỷ viên Trung ương MTTQ Việt Nam, Phó chủ tịch Hội cựu chiến binh đoàn tàu không số thuộc lực lượng Hải quân - đã bị cơ quan công an đưa vào "tầm ngắm". Việc bắt giữ ông Tuyển chỉ còn là thời điểm nào mà thôi!.


 
Chưa hết, nguồn tin được tung ra còn có vẻ rất logic là Công ty Âu Lạc hiện đang vay khoảng 4.000 tỷ đồng để đầu tư xây dựng một số công trình mà không có khả năng sinh lời dẫn đến nợ quá hạn mất khả năng cân đối tài chính, nguy cơ phá sản.


 
Chuyện “nhập kho” như tin đồn hôm đó cũng chỉ là những chuyện tầm phào mà người ta liên tưởng đến một nhân vật bóng gió nào đó trên bộ phim truyền hình nhiều tập.


 
Tỷ phú đô la với “chân dài”


 
Tin đồn về chuyện nợ nần chưa xong, ông lại dính đến chuyện nhạy cảm khác: quan hệ với một “chân dài” trong đường dây gái gọi cao cấp của Hiền “chèo”. Đây không phải là tin đồn nữa mà là lời khai của một đối tượng trong đường dây gái gọi và cơ quan công an đã đi xác minh...


 
Khi cơ quan điều ra vào cuộc, mới biết những ngày đó ông Đào Hồng Tuyển không có mặt ở Tuần Châu. Ông với đoàn khách đó không có bất kỳ mối quan hệ nào. Tất cả hàng chục con người ấy đều trả lời không biết ông Tuyển. Thế nhưng tai tiếng vẫn cứ đến với ông. Có lẽ đó là cái giá phải trả rất đắt của sự nổi tiếng.


 
Vào thời điểm hoàng kim nhất của thị trường chứng khoán, không khó khăn để xác định ai là người giàu nhất Việt Nam, tất nhiên là trên sàn. Theo số liệu được cung cấp vào tháng 1/2007, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty FPT được coi là người giàu nhất với tổng tài sản lên tới 2.354 tỷ đồng.
 


Giới thạo tin cho rằng, với một xã hội hiện còn chưa cởi mở như Việt Nam, đó chỉ là phần nổi của tảng băng. Những con cá kình về tài sản vẫn còn ẩn hiện đâu đó. Không ít lâu sau, khi thị trường trượt dài cùng với đà suy thoái toàn cầu, tài sản của những người giàu trên thị trường chứng khoán lại liên tục bị bốc hơi.



Chính trong những thời điểm khó khăn đó, tôi đã gặp ông Tuyển ở Hà Nội. Hỏi thăm: dạo này thế nào, công việc ra sao? Ông cho biết: lúc này đây, mới là lúc ai là người làm thật và có tiền thật. Cũng chính tại thời điểm đó Tập đoàn Tuần Châu của ông đã chi ra hàng trăm tỷ đồng để đền bù, giải phóng mặt bằng cho dự án khu du lịch sinh thái Tuần Châu - Hà Tây với diện tích 254 ha với tổng mức đầu tư 5 ngàn tỷ đồng.


Được biết, hiện Tập đoàn Tuần Châu do ông Đào Hồng Tuyển làm chủ tịch hiện có 14 công ty. Trong đó, Công ty Âu Lạc Quảng Ninh có vốn điều lệ: 700 tỷ đồng, kết quả thẩm định giá của công ty này ngày 26/12/2008 do Công ty định giá và dịch vụ tài chính (Bộ Tài chính) là hơn 5.000 tỷ đồng. Công ty CP T&H Hạ Long (tại đảo T.Châu) có vốn điều lệ là 500 tỷ đồng, kết quả thẩm định giá của công ty này ngày 19/6/2008 là hơn 5.000 tỷ đồng. Cùng với đó là 12 công ty khác, vốn điều lệ đều trên dưới trăm tỷ cả. Tất cả đều đang hoạt động một cách bình thường có hiệu quả.


 
Chuyện ông là tỷ phú đô la vào thời điểm này cũng là điều không thể phủ nhận. Để đạt được vị thế đó, cái giá phải trả không hề nhỏ chút nào. Và những ai đã chứng kiến cuộc sống thường nhật của ông đều nhận thấy ở ông vô cùng giản dị, ông vẫn là một người lính với đầy tố chất, và người đời vẫn nói về ông như một nhân vật huyền thoại.


 
 
Theo Người Lãnh Đạo

Tin liên quan: