Tin tức - Hộ gia đình không đủ tư cách chủ thể vay vốn

Hộ gia đình không đủ tư cách chủ thể vay vốn

 

Theo đại diện ngân hàng nhà nước, hiện nay các văn bản pháp luật điều chỉnh liên quan đến lĩnh vực ngân hàng có sự thiếu đồng bộ và sự thống nhất.

 

Ngày 30 tháng 12 năm 2016, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư số 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng và Thông tư số 43/2016/TT-NHNN quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính. Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng khẳng định: “Hai thông tư mới này có tác động rất lớn đối với hoạt động của các tổ chức tín dụng cũng như vai trò quản lý nhà nước về hoạt động tiền tệ và tín dụng”.

 

Thông tư số 39/2016 quy định “Khách hàng vay vốn tại tổ chức tín dụng (sau đây gọi là khách hàng) là pháp nhân, cá nhân..”. “Khách hàng là pháp nhân có năng lực pháp luật dân sự theo quy định của pháp luật”. Quy định này đã thực hiện  theo đúng tinh thần của Bộ luật dân sự năm 2015 quy định chủ thể tham gia quan hệ dân sự chỉ bao gồm pháp nhân và cá nhân.

 

Như vậy, từ ngày 15/3 Thông tư 39/2016 có hiệu lực, các đối tượng không phải là pháp nhân (ví dụ như hộ kinh doanh, hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân) không đủ tư cách chủ thể vay vốn tại các tổ chức tín dụng. Họ chỉ có thể vay vốn với tư cách là doanh nghiệp hoặc cá nhân.

 

Hộ gia đình không đủ tư cách chủ thể vay vốn

Hộ gia đình không đủ tư cách chủ thể vay vốn

 

Trước quy định này, nhiều ngân hàng cho biết họ đang gặp lúng túng. Đại diện một ngân hàng thương mại thắc mắc: Theo BLDS 2015, chủ thể tham gia quan hệ dân sự chỉ bao gồm pháp nhân và cá nhân nhưng vẫn có giấy đỏ của hộ gia đình (ví dụ trên giấy đỏ ghi là “hộ gia đình” thì đất đó có khi không phải là tài sản riêng của một người mà chia làm nhiều phần). Vậy trong trường hợp này các ngân hàng phải ký kết hợp đồng tín dụng với tư cách gì?

 

Trả lời thắc mắc trên của các ngân hàng, ông Đoàn Thái Sơn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế NHNN, cho biết đây là một trường hợp ngoại lệ. Ngay cả trong BLDS 2015 cũng xem đây là đối tượng được ngoại trừ. Theo đó, tất cả chủ thể theo bộ luật trên là cá nhân hoặc pháp nhân, trừ trường hợp hộ gia đình sử dụng đất thì thực hiện theo quy định của Luật Đất đai.

Nguồn: Theo Thùy Linh (Pháp luật TPHCM)

Tin liên quan: