Tin tức - Kinh doanh thương mại điện tử và "chiêu" trốn thuế

Mặc dù đã có những biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn nhưng các doanh nghiệp kinh doanh thương mại điện tử gian lận, trốn thuế nhưng tình trạng trên vẫn chưa có chiều hướng thuyên giảm.

 

Hiện nay, lĩnh vực kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT) ở Việt Nam được mở rộng tới các dịch vụ hàng hóa như: Hàng tiêu dùng, thiết bị y tế chuyên dụng; các dịch vụ cung cấp thông tin, pháp lý, tài chính; chăm sóc sức khỏe, giáo dục và các hoạt động mới như siêu thị ảo...

 

Thương mại điện tử

 

 

Gian lận... tưng bừng

 

Theo đánh giá của Tổng cục Thuế, hầu hết các DN kinh doanh TMĐT có tốc độ tăng trưởng rất nhanh, một số DN mới chỉ thành lập được vài năm nhưng doanh thu đã lên tới cả nghìn tỷ đồng, trong khi đó số tiền nộp ngân sách không đáng kể.

 

Đi tìm lời giải cho nghi vấn này, trong năm 2013, Tổng cục Thuế đã tập trung lực lượng thanh, kiểm tra các DN có nhiều rủi ro về thuế, trong đó đã thanh tra 4 DN hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực TMĐT là: Cty TNHH Lựa chọn Hoàn hảo- hoạt động trong lĩnh vực bán hàng qua truyền hình và Internet; Cty TNHH truyền thông Không Trung- hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo; Cty TNHH một thành viên Công nghệ tin học Viễn Sơn- hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và thương mại các thiết bị tin học, linh kiện điện tử; Công ty cổ phần VNG- hoạt động trong lĩnh vực trò chơi trực tuyến và bán hàng qua mạng. Tổng cục Thuế đã ban hành quyết định truy thu thuế 4 DN trên số tiền 81,735 tỷ đồng.

 

Tại 2 địa bàn Hà Nội và TP HCM, nơi tập trung tỷ lệ DN có website để quảng bá, mua bán các dịch vụ, sản phẩm qua mạng cao nhất trong cả nước, thông qua thanh, kiểm tra, cơ quan Thuế ở 2 địa bàn này đã phát hiện và truy thu hàng chục tỷ đồng của DN kinh doanh TMĐT.

 

Chứng minh không dễ

 

Lãnh đạo Ban Cải cách và hiện đại hoá - Tổng cục Thuế thừa nhận một thực tế là, công tác thanh, kiểm tra TMĐT đòi hỏi những yêu cầu khác với so với thanh tra theo phương thức truyền thống bởi trong thanh tra TMĐT đòi hỏi CBCC thuế phải có trình độ về tin học, ngoại ngữ... Đồng thời, phải có ứng dụng, phần mềm hỗ trợ việc truy lần dấu vết giao dịch, kết xuất dữ liệu lịch sử giao dịch làm bằng chứng đấu tranh đối với việc che giấu các hành vi vi phạm của người nộp thuế.

 

Đại diện Cục Thuế TP HCM cho biết, đơn vị gặp không ít khó khăn khi thực hiện chuyên đề chống gian lận thuế trong lĩnh vực TMĐT. DN kinh doanh TMĐT thuộc diện thanh tra đa số là DN kinh doanh có trang web trên mạng Internet để quảng cáo hàng hóa; khách  hàng tìm kiếm hàng hóa trên mạng, gọi điện đặt mua hàng, DN đến giao hàng cho người mua, nếu khách hàng không cần lấy hóa đơn thì các đơn vị bán hàng sẽ không cần xuất hóa đơn. Do đó, các đơn vị này kê khai hóa đơn rất thấp.

 

Trong khi đó, trình độ tin học của cán bộ thuế còn hạn chế nên rất khó khai thác được các khoản doanh thu không kê khai hoặc kê khai không đầy đủ trong giao dịch mua bán TMĐT trên hệ thống máy chủ của DN hoặc qua mạng Internet.

 

Theo Ban Cải cách và hiện đại hóa, hiện có không ít DN có trang web bán hàng trên mạng, khi khách hàng đặt mua hàng đều có danh sách bảng kê đơn đặt hàng nhưng nếu DN biết bị cơ quan Thuế thanh tra sẽ tự động xóa hết danh sách này trên máy vi tính của DN, dẫn tới việc cơ quan Thuế khó xác định được doanh thu chính xác của DN.

 

Trên cơ sở đó, Ban Cải cách và hiện đại hoá đề xuất với Tổng cục Thuế cần nghiên cứu, nhận diện và phân nhóm người nộp thuế thành các loại hình TMĐT điển hình để tập trung nguồn lực quản lý. Đồng thời, kết hợp các biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn giúp cho DN chấp hành chính sách pháp luật thuế.

Tin liên quan: