Tin tức - Triệu phú ưa bận rộn

Luke Johnson luôn nói rằng "tôi chẳng bao giờ muốn rảnh rỗi", và điều này đã giúp ông trở thành triệu phú với tài sản 150 triệu bảng (243 triệu USD) cùng hàng loạt thành tích kinh doanh.

 

Ông hiện là Chủ tịch quỹ đầu tư Risk Capital Partners tại Anh. Quỹ này rót tiền vào rất nhiều lĩnh vực, như nhà hàng, công ty du lịch, ngân hàng và cả các hãng nghiên cứu. Ông còn là Chủ tịch Viện nghiên cứu Ung thư (ICS) và đang viết một cuốn sách về kinh doanh.

 

Triệu phú 51 tuổi cho biết trên BBC: "Buồn chán là kẻ thù lớn nhất của tôi. Và tôi phải làm mọi thứ để chống lại nó. Cũng như các doanh nhân khác, tôi là kiểu người không thích ngồi yên một chỗ. Vì thế, tôi tìm đến kinh doanh".

 

Johnson dự định trở thành một bác sĩ khi theo học đại học Oxford. Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi khi ông cùng một người bạn quản lý một hộp đêm. "Chúng tôi nghĩ ra rất nhiều ý tưởng để thu phí người vào. Khi ấy, tôi đã nhận ra điều mình muốn làm nhất trong cuộc đời. Đó là mở công ty riêng".

 

 

Triệu phú ưa bận rộn

 

 

 

Sau đó, Johnson bỏ ngang khoa Y và tốt nghiệp với tấm bằng sinh lý học. Ra trường, ông lại làm môi giới chứng khoán vài năm trước khi chính thức khởi nghiệp năm 27 tuổi.

 

Khối tài sản đầu tiên của Johnson đến từ một cửa hàng pizza. Ông cùng người bạn - Hugh Osmond mua lại chuỗi hàng pizza nhỏ ở London có tên Pizza Express. Họ đã thuyết phục được các nhà sáng lập Pizza Express rằng mình chính là người có thể giúp công ty phát triển.

 

Tại thời điểm đó, hãng chỉ có 12 chi nhánh. Nhưng 6 năm sau, nhờ Johnson, Pizza Express đã có 250 cửa hàng trên khắp nước Anh. Cổ phiếu của hãng cũng tăng 40% trong thời gian này. Johnson coi Pizza Express là một "việc kinh doanh hoàn hảo” do pizza luôn được yêu thích và có lợi nhuận cao.

 

Tuy nhiên, muốn có thử thách mới, Johnson đã bán chuỗi cửa hàng này năm 1999. Sau đó, ông lại mua các nhà hàng nổi tiếng như The Ivy hay Le Caprice và mở thêm Strada Italian. Đến năm 2005, ông bán các chuỗi hàng này và thu về hơn 90 triệu bảng. Đầu năm nay, chuỗi nhà hàng Giraffe của Johnson cũng được Tập đoàn Tesco mua lại với giá 50 triệu bảng.

 

Công thức thành công của Johnson là: "Tìm cộng sự tốt, quản lý tốt. Đó là những người bạn muốn làm việc cùng. Họ phải thật tự tin, có kiến thức và nhiệt tình. Thêm vào đó, hãy tìm đến các dự án đã tồn tại, nhưng chưa phát triển. Khi ấy, bạn sẽ là người đầu tư vốn, kiến thức và các mối quan hệ để giúp công ty đó lớn mạnh".

 

Johnson đã từng thất bại khi mua chuỗi cửa hàng sách Borders và phải thanh lý năm 2011. Ông cho biết: "Tôi không tính được rằng sự phát triển của Amazon, e-book và siêu thị sẽ khiến các cửa hàng sách truyền thống bị lãng quên. Lần ấy, tôi đã mất sạch tiền".

 

Dù cho rằng đây là "bài học đau đớn", Johnson vẫn quan niệm "thất bại không phải là việc chết người". "Tôi thường khuyên các doanh nhân trẻ rằng cứ làm đi. Cuộc sống không phải là một sự tập dượt. Đừng để mình sau này phải hối hận: 'Ước gì mình đã làm việc đó'", ông cho biết.

 

 

                                                                                                                                                                                                    Theo vnexpress

Tin liên quan: