Tin tức - 10 ĐIỂM CẦN LƯU Ý TRONG HOẠT ĐỘNG NHƯỢNG QUYỀN THƯƠNG MẠI TẠI VIỆT NAM

 

 

Hiện nay, khi Việt Nam là thành viên của WTO đã mở ra nhiều cơ hội thuận lợi cho các nhà kinh doanh cả trong và ngoài nước. Trong bối cảnh như vậy, rõ ràng việc quyết định lựa chọn hình thức kinh doanh nào đảm bảo cho nhà đầu tư có được hiệu quả tốt nhất về sử dụng vốn, mở rộng nhanh thị phần là điều đáng được quan tâm. Từ đó, nhiều phương thức kinh doanh đã ra đời, phát triển rộng rãi và mang lại nhiều hiệu quả kinh tế cao cho những người hoạt động kinh doanh, trong đó có “nhượng quyền thương mại”. Nhờ hình thức này mà đã có một số thương hiệu nhượng quyền thành công trong nước và nước ngoài góp phần thay đổi bộ mặt kinh tế, xã hôi của Việt Nam. Để đáp ứng nhu cầu về quản lý và thúc đẩy hoạt động NQTM phát triển, Nhà nước Việt Nam đã có các quy định khá cụ thể về NQTM như: Luật Thương Mại 2005, Luật sở hữu trí tuệ 2005, Bộ luật dân sự 2005, Luật Cạnh tranh 2004 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Ngoài ra do tính chất đặc thù của mình, hoạt động NQTM còn chịu sự điều chỉnh của các quy định pháp luật khác có liên quan như: pháp luật về dịch vụ phân phối, thuế, doanh nghiệp, đầu tư, phá sản, pháp luật điều chỉnh hoạt động quảng cáo chào bán quyền thương mại, pháp luật hành chính, hình sự…

Trong hoạt động Thương mại Việt Nam những năm gần đây cũng đã xuất hiện một số hệ thống nhượng quyền thương mại điển hình như: các hệ thống nhượng quyền kinh doanh toàn cầu Kentucky Fired Chicken,Burger Khan, Five Star Chicken, Carvel… Trong đó KFC là hãng nước ngoài được đánh giá là thành công nhất với sản phẩm gà rán. Các hãng nổi tiếng khác như Dunkin Donuts, MC Donald’s cũng đã góp mặt tại thị trường Việt Nam. Chúng ta có thể thấy, những thương hiệu nước ngoài trong lĩnh vực nhượng quyền thương mại tại việt Nam ngày càng tăng. Không chỉ có các hệ thống nhượng quyền thương mại nổi tiếng nước ngoài phát triển tại Việt Nam, mà còn có các hệ thống nhượng quyền mang thương hiệu Việt cũng có bước phát triển vượt bậc như: Trung Nguyên, Phở 24, Kinh Đô, Foci, Ninomax, T&T, Thế giới di động,... Tuy nhiên, so với các hoạt động thương mại khác thì nhượng quyền thương mại vẫn là hoạt động khá mới mẻ và diễn ra chưa phổ biến, mạnh mẽ tại Việt Nam. Thậm chí nó còn tương đối xa lại đối với đa số các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam, do chưa được tiếp cận về loại hình, về dữ liệu, thương hiệu, cách thức kinh doanh, rủi ro pháp lý về loại hình kinh doanh này. Các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay chưa có nhiều kinh nghiệm hay, những bài học điển hình về nhượng quyền thương mại. Tuy nhiên, phù hợp với quy định pháp luật, trên cơ sở ít ỏi những bài học kinh nghiệm đã có, chúng tôi đại diện cho Công ty TNHH NewVision Law đưa ra một số điểm mà các doanh nghiệp cần lưu ý khi thực hiện các thương vụ nhượng quyền thương mại tại Việt Nam:

 

Đối với hoạt động nhượng quyền thương mại cả trong nước và có yếu tố nước ngoài:

 

Điều kiện tiên quyết để quan hệ nhượng quyền thương mại góp phần đạt mục tiêu phát triển hoạt động kinh doanh của mỗi bên tham gia quan hệ này là các quan hệ  hợp đồng cần được xác lập và thực hiện trên cơ sở hợp tác, tin cậy lẫn nhau dựa trên sự thiện chí, trung thực, thẳng thắn, công bằng giữa các bên.

Thứ hai, doanh nghiệp cần nghiên cứu thị trường mục tiêu của mình để xét tính phù hợp đối với khả năng của doanh nghiệp hay hiệu quả đầu tư của hình thức này sẽ như thế nào? ..Vì không phải thương hiệu nào thành công ở một nước, một khu vực thì sẽ thành công ở một nước khác hay một khu vực khác.

Thứ ba, Bên nhận nhượng quyền thương mại cần nắm bắt được đầy đủ thông tin về người bán hàng (bên nhượng quyền) và hàng hóa (quyền thương mại) để giúp cho bên nhận nhượng quyền có cái nhìn toàn diện về bên nhượng quyền, làm cơ sở cho việc ra quyết định trong tương lai. Những điểm cần năm bắt như qui định về địa điểm,vị trí, không gian địa lý, qui định về đầu tư, cấp phép, kiểm tra, vận hành, bảo trì, sửa chữa, qui định về bảo hiểm tài sản, nhân viên hay thương hiệu dự định nhượng quyền, thị trường, tốc độ phát triển, chính sách hỗ trợ cho những thị trường mới…

            Thứ tư, khi đàm phán, ký kết hợp đồng nhượng quyền thương mại các bên cần lường trước được tất cả các yếu tố phát sinh có thể xảy ra trong quá trình hoạt động sau này để đưa vào nội dung đàm phán hoặc tránh những nội dung đàm pháp gây bất lợi cho mình. Bên nhận nhượng quyền cần hiểu rõ các cam kết của nhà nhượng quyền cũng như những cam kết của mình đối với nhà nhượng quyền và thể hiện chúng trong các điều khoản của hợp đồng nhượng quyền để  cùng vận hành theo một qui định, qui trình thống nhất.

Thứ năm, đối với hoạt động nhượng quyền thương mại trong lĩnh vực nhà hàng là địa điểm sử dụng quyền thương mại phải là địa điểm thuê hợp pháp và lâu dài, tránh việc thay đổi địa điểm giữa chừng dẫn đến chi phí cho hoạt động sửa chữa và trang trí nội, ngoại thất theo quy chuẩn của bên nhượng quyền lớn, lúc đó chi phí có thể lên gấp đôi hoặc có thể hơn  nếu phải thay đổi nhiều lần.

 

Đối với các hoạt động nhượng quyền có yếu tố nước ngoài:

 

Thứ nhất, cần xác định chủ thể trong quan hệ nhượng quyền thương  mại có yếu tố nước ngoài có thỏa mãn những điều kiện gì. Điều này không hề đơn giả bởi nó phụ thuộc vào từng hệ thống pháp luật của mỗi quốc gia. Theo pháp luật Việt Nam, thì chủ thể của hợp đồng nhượng quyền thương mại có yếu tố nước ngoài cũng cần thỏa mãn các điều kiện giống như chủ thể của hợp đồng nhượng quyền thương mại nói chung. Cụ thể được quy định tại Nghị định 35/2006/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết Luật thương mại về hoạt động nhượng quyền thương mại và  Điều 761 và Điều 762 BLDSVN 2005.

Thứ hai, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 120/2011/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung thủ tục hành chính tại một số Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại.
Trong đó, các doanh nghiệp cần chú ý là Nghị định có bổ sung quy định 02 trường hợp không phải đăng ký nhượng quyền thương mại mà chỉ phải thực hiện chế độ báo cáo cho Sở Công Thương là: Nhượng quyền trong nước; nhượng quyền thương mại từ Việt Nam ra nước ngoài.  Như vậy đối với hoạt động nhượng quyền thương mại từ Việt Nam sang nước ngoài thì chỉ cần báo cáo với Sở Công Thương mà không cần phải đăng ký nhượng quyền thương mại.

Thứ ba, cần xem xét quy định về hình thức, ngôn ngữ đối với hoạt động NQTM có yếu tô nước ngoài. Nước ta quy định đối với hoạt động NQTM có yếu tố nước ngoài được lập thành văn bản hoặc hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương. Về ngôn ngữ tại NĐ35/2006 quy định: “Hợp đồng nhượng quyền thương mại phải được lập bằng tiếng Việt. Trường hợp nhượng quyền từ Việt Nam ra nước ngoài, ngôn ngữ của hợp đồng nhượng quyền thương mại do các bên thoả thuận”.

Thứ tư, các bên cần phải thỏa thuận về việc chọn luật và cơ quan tài phán tại Việt Nam nếu có tranh chấp xảy ra. Mặc dù các bên có quyền chọn luật, cơ quan tài phán nước khác để giải quyết tranh chấp kinh tế, thương mại của mình. Và điều lưu ý hơn thì cơ quan tài phán nước nào có thẩm quyền giải quyết lại đóng vai trò quan trọng cho vấn đề luật áp dụng – cũng có nghĩa là tới kết quả phán quyết sau này.

Thứ năm, cần xem xét đầy đủ các yếu tố có tính văn hoá của các bên để tránh phát sinh những mâu thuẫn không đáng có (kể cả vô ý hay cố ý) trong quá trình thực hiện hợp đồng. Những quy định trong hợp đồng không rõ ràng có thể xảy ra những ý hiểu khác nhau khiến 1 trong hai bên gây trở ngại, bất lợi cho bên kia khiến xảy ra tranh chấp.

 

Qua 10 điều này, các doanh nghiệp, không kể bên nhượng quyền hay bên nhận nhượng quyền thương mại cũng cần phải hết sức quan tâm tìm hiểu những mặt lợi và hại của mô hình kinh doanh này trước khi triển khai áp dụng trên thực tế.

Để có thể hiểu một cách toàn diện và cụ thể hơn về vấn đề nhượng quyền thương mại, Công ty Luật NewVision chúng tôi sẽ cung cấp dịch vụ tư vấn pháp lý trực tiếp cho các doanh nghiệp nhằm tránh những rủi ro trong kinh doanh khi có nhu cầu của khách hàng. 

Tin liên quan: