Tin tức - Đại gia ngân hàng đang dần tháo chạy

Theo Dự thảo Thông tư hướng dẫn xử lý việc sở hữu cổ phần của tổ chức tín dụng vượt giới hạn quy định, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) yêu cầu phải xử lý trong thời hạn 30 ngày nếu việc sở hữu vượt tỷ lệ phát sinh sau ngày 1/1/2011.

 

Thời hạn xử lý chậm nhất là ngày 31/3/2015 với trường hợp phát sinh trước ngày 1/1/2011, trừ các trường hợp thực hiện theo phương án tái cơ cấu đã phê duyệt.

 

 

Đại gia ngân hàng đang dần tháo chạy

 

 

Cá nhân được sở hữu không quá 5% vốn của một NH, cá nhân và người có liên quan nắm giữ không quá 20%. Luật các tổ chức tín dụng có hiệu lực từ đầu năm 2011 đã quy định.

 

Trên thực tế, có hàng loạt các trường hợp cá nhân, tổ chức và nhóm cổ đông vi phạm các quy định này. Theo thống kê của NHNN, thực tiễn có 5/33 NHTMCP có cá nhân sở hữu vượt tỷ lệ 5% vốn điều lệ; 5/33 NHTMCP có tổ chức vượt 15% vốn và 8/33 NHTMCP có nhóm cổ đông và người liên quan sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ 20%.

 

Kết quả thanh tra cho thấy, ở không ít ngân hàng cổ phần, cổ đông lớn và người có liên quan vi phạm quy định về sở hữu cổ phần dẫn đến thao túng, chi phối NH, phục vụ cho lợi ích của cổ đông lớn, đẩy NH đến tình trạng hoạt động thiếu minh bạch hoặc quản trị, điều hành không tuân thủ nguyên tắc, quy định pháp luật.

 

Nếu dự thảo này được thông qua, các vi phạm theo thống kê của NHNN và có thể cao hơn trên thực tế sẽ buộc phải đưa ra giải pháp xử lý. Thời gian "ân hạn" khi chưa có "hướng dẫn cụ thể về thời gian" về việc này trong gần 4 năm qua sắp hết. Chỉ còn 9 tháng để các đại gia thoái vốn.

 

NHNN sẽ áp dụng biện pháp mạnh như yêu cầu cổ đông sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ cho phép phải chuyển nhượng số cổ phần vượt giới hạn cho NHNN hoặc tổ chức do NHNN chỉ định, mất quyền biểu quyết với số cổ phần vượt, không được tham gia HĐQT, ban kiểm soát... nếu quá thời hạn trên.

 

Đại gia giở bài lách luật

 

Thực tế, 4 năm từ khi có luật tình trạng này không giảm mà một số trường hợp cụ thể còn tăng lên. Trong vài năm gần đây, có rất ít các đại gia NH chủ động điều chỉnh các tỷ lệ này với lý do tỷ lệ sở hữu quá quy định là do NHNN, xảy ra trước thời điểm có luật. Lịch sử để lại nên không thể coi là sai luật và không bị xử phạt.

 

Các quy định ở thông tư thể hiện một quan điểm khá cứng rắn. Tuy nhiên, việc thực thi và giám sát thực thi những yêu cầu này như nào trong thời gian tới để các cổ đông lớn không thể dùng các biện pháp đối phó với quy định này nhằm phục vụ lợi ích riêng vẫn là dấu hỏi

 

Hầu hết các đợt thoái vốn gần đây là của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước như vụ: Vietnam Airlines rút khỏi Techcombank, EVN giảm tỷ lệ ở ABBank, PVN, VNPT... là dưới sức ép tái cơ cấu DNNN, rút vốn ngoài ngành. Trong khi đó, rất nhiều các đại gia vẫn đang tìm mọi cách để duy trì vị thế thống trị NH của mình.

 

Tại NamABank, hàng loạt các thay đổi đã diễn ra nhưng có một điểm không đổi là vị thế vững chắc của gia đình mẹ chồng Á hậu Dương Trương Thiên Lý, bà Tư Hường. Không những thế nhiều khả năng vị thế này có thể được nâng lên một tầm cao mới thông qua kế hoạch tăng vốn từ 3.000 tỷ đồng lên 4.000 tỷ đồng bán cho cổ đông hiện hữu. Tính chung, con trai bà Tư Hường là ông Nguyễn Quốc Toàn và những người liên quan nắm giữ gần 30% cổ phần NamABank.

 

Trước đó, những màn xoay sở giữ vững vị thế thống trị của đại gia Trầm Bê tại SouthernBank và vụ trở mình nắm gọn NH Sacombank sau đó. Người ta nhìn thấy sự lớn mạnh về vị thế của một gia đình đại gia nắm giữ 2 NH với hàng loạt các thành viên liên tiếp tăng tỷ lệ sở hữu tại đây.

 

Trong năm 2013, DaiABank đã tiến hành sáp nhập vào với HDBank, kèm theo đó là vụ một nhóm các cổ đông cũ chuyển nhượng cổ phần cho nhóm các cổ đông mới lượng cổ phần gần 26% vốn điều lệ. Rồi vụ TrustBank bán gần 85% vốn cho Tập đoàn Thiên Thanh (mua 9,67%) và 20 nhà đầu tư khác ... Bên cạnh đó, giới đầu tư còn nói về rất nhiều nhóm cổ đông nào đó nắm giữ vài ba chục phần trăm cổ phần một NH.

 

Cổ đông lớn nắm cổ phần chi phối tại các NH là nguyên nhân dẫn tới tình trạng thao túng trong hệ thống NH. Cắt sở hữu vượt quy định để là việc cần làm để ổn định hệ thống, tránh các bệnh cũ gây ra khủng hoảng vừa qua.

 

 

Tin liên quan: