Tin tức - Những vấn đề pháp lý và các yếu tố cần quan tâm trong hoạt động mua lại doanh nghiệp

Không phải cứ thành lập doanh nghiệp xong thì mọi thứ đều diễn ra tốt đẹp và công ty đó sẽ đứng vững trên thị trường. Vốn dĩ thị trường là một nơi vô cùng tàn khốc, đơn vị nào không thể “đấu lại” đối thủ thì cái kết phá sản, giải thể hay bị thâu tóm, sáp nhập là chuyện dĩ nhiên.
 
Mua lại doanh nghiệp là một trong những hình thức của hoạt động M&A, cụ thể, đây là “việc một doanh nghiệp mua toàn bộ hoặc một phần tài sản của doanh nghiệp khác đủ để kiểm soát, chi phối toàn bộ hoặc một ngành nghề của doanh nghiệp bị mua lại” (khoản 3, Điều 17 Luật Cạnh tranh 2004). Như vậy có thể hiểu bản chất mua lại doanh nghiệp như một quá trình chuyển quyền sở hữu doanh nghiệp, trong đó việc chuyển quyền sở hữu này có thể diễn ra đối với toàn bộ doanh nghiệp hoặc một phần tài sản của doanh nghiệp sang cho một chủ sở hữu mới để tiếp tục hoạt động kinh doanh. Từ định nghĩa trên, ta có thể phân loại hoạt động mua lại doanh nghiệp được chia làm hai trường hợp là mua lại toàn bộ và mua lại một phần doanh nghiệp:
 
- Mua lại toàn bộ là trường hnợp mà bên mua sẽ trở thành chủ sở hữu mới đối với toàn bộ doanh nghiệp bị mua lại, đồng thời thụ hưởng toàn bộ quyền và lợi ích hợp pháp, chịu trách nhiệm về các khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động và các nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp bị mua lại.
 
Phân tích trên phương diện lý luận, trường hợp này khá giống với hành vi sáp nhập doanh nghiệp khi mà doanh nghiệp bị mua lại hoặc bị sáp nhập đều chuyển giao toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ cũng như lợi ích hợp pháp của mình gộp chung với tài sản vốn có của doanh nghiệp mua lại hay sáp nhập. Bởi vậy, để phân biệt hai hành vi này cần phải xác định xem sau khi quá trình M&A hoàn tất, doanh nghiệp bị mua lại có chấm dứt tồn tại hay không. Trường hợp doanh nghiệp bị mua lại chấm dứt tồn tại thì về bản chất đây chính là hình thức sáp nhập. Còn nếu tiếp tục hoạt động như một chủ thể độc lập thì đây được coi là mua lại doanh nghiệp và thông thường doanh nghiệp bị mua lại sẽ trở thành công ty con của doanh nghiệp mua lại nó. Nhìn chung, việc chấm dứt hay tiếp tục hoạt động hoàn toàn tùy thuộc vào ý chí chủ quan của doanh nghiệp mua lại.
 
- Mua lại một phần doanh nghiệp được thực hiện dưới hình thức mua tài sản, mua cổ phần hoặc phần vốn góp của doanh nghiệp khác đủ để kiểm soát chi phối toàn bộ hoặc một ngành nghề của doanh nghiệp bị mua lại. Điều này sẽ giúp ta phân biệt hình thức này với việc góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp được quy định trong Luật doanh nghiệp. Nếu việc góp vốn, mua cổ phần với mục đích đơn thuần là để trở thành chủ sở hữu chung của doanh nghiệp mà không đủ để giành kiểm soát chi phối doanh nghiệp thì hoạt động này không được coi là việc mua lại doanh nghiệp và không thuộc sự điều chinh của Luật cạnh tranh. Về khái niệm “Quyền kiểm soát và chi phối doanh nghiệp” Điều 34 Nghị định 116/2005/NĐ-CP đã có hướng dẫn cụ thể, theo đó:
 
“Kiểm soát hoặc chi phối toàn bộ hoặc một ngành nghề của doanh nghiệp khác là trường hợp một doanh nghiệp (sau đây gọi là doanh nghiệp kiểm soát) giành được quyền sở hữu tài sản của doanh nghiệp khác (sau đây gọi là doanh nghiệp bị kiểm soát) đủ chiếm được trên 50% quyền bỏ phiếu tại Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị hoặc ở mức mà theo quy định của pháp luật hoặc điều lệ của doanh nghiệp bị kiểm soát đủ để doanh nghiệp kiểm soát chi phối các chính sách tài chính và hoạt động của doanh nghiệp bị kiểm soát nhằm thu được lợi ích kinh tế từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bị kiểm soát”.
 
Ngoài ra pháp luật cạnh tranh Việt Nam cũng quy định thêm về các trường hợp mua lại doanh nghiệp nhưng không được coi là tập trung kinh tế. Điều 35 Nghị định 116/2005/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Cạnh tranh (sau đây gọi tắt là: Nghị định 116/2005/NĐ-CP) quy định Doanh nghiệp bảo hiểm, tổ chức tín dụng mua lại doanh nghiệp khác nhằm mục đích bán lại trong thời hạn dài nhất là 01 năm doanh nghiệp mua lại không bị coi là tập trung kinh tế nếu không thực hiện quyền kiểm soát hoặc chi phối doanh nghiệp bị mua lại, hoặc thực hiện quyền này chỉ trong khuôn khổ bắt buộc để đạt được mục đích bán lại đó. Bên cạnh dó, các doanh nghiệp tham gia sẽ phải gửi cho cơ quan quản lý cạnh tranh hồ sơ thông báo việc mua lại có nội dung quy định tại Khoản 1 Điều 21 của Luật Cạnh tranh 2004. Sở dĩ pháp luật không coi các trường hợp nếu trên là hành vi tập trung kinh tế bởi đây là một trong những hoạt động diễn ra thường xuyên của các tổ chức tài chính, tuy nhiên các tổ chức này cũng phải đáp ứng được điều kiện rằng doanh nghiệp mua lại không thực hiện quyền kiểm soát hoặc chi phối doanh nghiệp bị mua lại, hoặc chỉ trong khuôn khổ bắt buộc để đạt được mục đích bán lại, điều này như một sự phòng ngừa của pháp luật nhằm đảm bảo việc mua lại sẽ không gây tác động xấu đến môi trường cạnh tranh.
 

Các yếu tố cần quan tâm khi mua doanh nghiệp:

 
- Phải xin và nhận được các chấp thuận cần thiết trong nội bộ của công ty (dù là bên mua hay bên bán) và từ các bên thứ ba (bao gồm cả chấp thuận, giấy phép của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền nếu có) liên quan đến giao dịch;
 
- Đưa ra ý kiến của mình về cấu trúc giao dịch, các văn bản tài liệu cần phải soạn thảo liên quan đến giao dịch và thống nhất được các vấn đề này;
 
- Chuẩn bị cho ngày hoàn thành giao dịch và thực hiện các quy định được các bên thỏa thuận để hoàn thành giao dịch;
 
- Tiến hành các công việc cần thiết sau ngày hoàn thành và thực hiện trách nhiệm của mỗi bên trong giai đoạn này; và
 
- Thực hiện việc hợp thành giữa hai pháp nhân.
 
Mọi vấn đề thắc mắc cần giải đáp liên hệ Hotline 02466827986 để được chuyên viên tư vấn và hỗ trợ chi tiết nhất

Tin liên quan: